Tổng hội Xây dựng Việt Nam phản hồi Bộ Xây dựng về dự thảo Nghị quyết phân loại đô thị
14:32 - 13/08/2021
Tổng hội Xây dựng Việt Nam đề nghị bổ sung quy định công khai hóa đề án nâng loại đô thị để lấy thêm ý kiến của công đồng dân cư, nhằm đảm bảo vai trò của người dân trong việc đóng góp cho sự phát triển đô thị.
Tổng hội Xây dựng Việt Nam vừa có văn bản phản hồi Bộ Xây dựng liên quan đến góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 1210 ngày 25.6.2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị.
Tổng hội đề nghị bổ sung nội dung kiểm tra, rà soát chất lượng sống dân cư đô thị, bao gồm các tiêu chuẩn về kiến trúc, cảnh quan. Ảnh: Thành phố Thủ Đức vừa được thành lập ngày 1.1.2021 theo tiêu chí đô thị loại I trực thuộc TP.HCM. Ảnh: Soha
Văn bản cho biết, Tổng hội nhận được công văn số 2596 ngày 8.7.2021 của Bộ Xây dựng về việc góp ý kiến dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 1210. Sau khi nghiên cứu và tổ chức họp với các chuyên gia, Tổng hội đồng thuận sự cần thiết phải sửa đổi bổ sung một số nội dung của Nghị quyết cho phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển đất nước, đồng bộ với các Luật đã được ban hành, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Theo đó, văn bản phản hồi của Tổng hội đề nghị dự thảo bổ sung phần giải thích từ ngữ đối với các khái niệm về đô thị đặc thù như: đô thị công nghiệp, đô thị di sản, đô thị du lịch, đô thị xanh, đô thị thông minh,… để làm rõ cơ sở quy định cụ thể trong Nghị quyết và xác định các tiêu chuẩn, chỉ tiêu trong phụ lục kèm theo Nghị quyết.
Dự thảo cần xác định giới hạn cận trên về quy mô dân số đô thị loại đặc biệt để tránh hiện tượng quá khả năng dung nạp của đô thị, gây ra tình trạng quá tải về hạ tầng kỹ thuật – xã hội, ô nhiễm môi trường, không đảm bảo chất lượng cuộc sống dân cư đô thị, cũng như ảnh hưởng sự phát triển chung của các vùng phụ cận. Đồng thời tạo cơ hội phát triển cho các đô thị là hạt nhân của các vùng kinh tế. Ngoài ra, cần bổ sung thêm các tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng đô thị, nâng cao tính cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Văn bản của Tổng hội cũng đề nghị cần làm rõ cơ sở điều chỉnh quy mô dân số tối thiểu của đô thị loại IV từ 50.000 người lên 100.000 người và đô thị loại V từ 4.000 người lên 8.000 người.
Theo Tổng hội, căn cứ vào điểm a, Điều 12 của dự thảo, nếu “đánh giá hiện trạng chung của toàn đô thị, từng đơn vị hành chính trực thuộc…” tức là đánh giá đến từng quận, phường thì khó đảm bảo tính khả thi về sự phức tạp của nguồn số liệu đầu vào và không cần thiết. Do vậy, Tổng hội đề nghị sửa lại: “…đánh giá hiện trạng chung của toàn đô thị, đối với khu vực đô thị hiện hữu và khu vực dự kiến trở thành phường, quận về chất lượng công trình hạ tầng đô thị…”.
Về quy định tổ chức tư vấn lập đề án, cần xem lại yêu cầu “điều kiện năng lực chuyên môn về quản lý đô thị”, bởi khái niệm “quản lý đô thị” là rất rộng, bao hàm cả công tác quản lý của cơ quan nhà nước. Tổng hội đề nghị thay thế cụm từ “tổ chức tư vấn lập quy hoạch”, để đảm bảo phù hợp với yêu cầu của công tác phân loại đô thị như sau: “Lựa chọn tổ chức tư vấn lập đề án phân loại đô thị theo quy định của pháp luật đấu thầu”.
Tổng hội cũng đề nghị bổ sung cụm từ “nghề nghiệp” sau cụm từ “các tổ chức xã hội”, cụ thể là “các tổ chức xã hội nghề nghiệp” để đảm bảo tính chuyên ngành, chuyên môn của các tổ chức xã hội trong tham gia Hội đồng thẩm định. Đồng thời, bổ sung thêm nội dung công khai hóa đề án nâng loại đô thị nhằm lấy thêm ý kiến của công đồng dân cư, để đảm bảo vai trò của người dân trong việc đóng góp cho sự phát triển đô thị.
Tổng hội đề nghị dự thảo bổ sung phần giải thích từ ngữ đối với các khái niệm về đô thị đặc thù như: đô thị công nghiệp, đô thị di sản, đô thị du lịch, đô thị xanh, đô thị thông minh… Ảnh: hội thảo khoa học “Tổng quan hiện trạng đô thị biển Việt Nam và một số quan điểm về kiểm soát phát triển” do Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Viện Nghiên cứu Kinh tế Xây dựng và Đô thị, Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng, Người Đô Thị đồng tổ chức ngày 30.9.2020 tại Hà Nội, Tổng hội đã tổng hợp một số kiến nghị từ hội thảo gửi Bộ Xây dựng. Ảnh: Trần Thảo
Với điểm b, khoản 1, Điều 15 của dự thảo, Tổng hội đề nghị sửa đổi lại như sau: “Để có cơ sở cho công tác quản lý nhà nước về phát triển đô thị, Bộ Xây dựng có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng đô thị 5 năm sau khi được nâng loại, đối với các đô thị loại đặc biệt, loại I, II, III, IV; hàng năm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ.
Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng đô thị 5 năm sau khi được nâng loại, đối với các đô thị loại V; hàng năm báo cáo Bộ Xây dựng để Bộ Xây dựng tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ”.
Tại điểm d, khoản 1, Điều 15, Tổng hội đề nghị bổ sung nội dung kiểm tra, rà soát chất lượng sống dân cư đô thị, bao gồm các tiêu chuẩn về kiến trúc, cảnh quan: Số lượng chương trình, dự án cải tạo chỉnh trang đô thị, chung cư cũ đã triển khai thực hiện, cùng với sự đánh giá của cộng đồng cư dân; Số lượng không gian công cộng được đầu tư mới, đã đưa vào sử dụng, cùng với sự đánh giá của công đồng dân cư sở tại; Số lượng công trình xanh, khu đô thị thông minh đã được đầu tư hoàn chỉnh, đưa vào sử dụng, đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận hoặc được các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế vinh danh.
“Đây là những tiêu chuẩn rất quan trọng bên cạnh các tiêu chuẩn về hạ tầng kỹ thuật – xã hội cần được bổ sung với mục tiêu phát triển đô thị bền vững, xanh và thông minh”, văn bản của Tổng hội nhận định.
Cần xác định giới hạn cận trên về quy mô dân số đô thị loại đặc biệt để tránh hiện tượng quá khả năng dung nạp của đô thị, gây ra tình trạng quá tải về hạ tầng kỹ thuật – xã hội, ô nhiễm môi trường… Ảnh: TP.HCM là thành phố trực thuộc trung ương thuộc loại đô thị đặc biệt, đang đối diện với quá tải dân số. Ảnh: CTV
Về tiêu chuẩn cơ sở y tế cấp đô thị, Tổng hội đề nghị xem lại tiêu chuẩn số giường trên 1.000 dân giảm xuống còn trên 10.000 dân, cùng với giảm số lượng giường bệnh cho mỗi loại đô thị. Đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay.
Ngoài ra, Tổng hội cũng đề nghị nghiên cứu thêm giá trị cận trên để tính điểm của mật độ dân số toàn đô thị đối với các đô thị loại I, II, III, IV, V. Ví dụ: các đô thị loại I là thành phố trực thuộc Trung ương sau nhiều năm được công nhận có tiêu chí mật độ thấp hơn quy định 2.000 người/km2, cụ thể: thành phố Hải Phòng 1.561 người/km2, Đà Nẵng 883 người/km2, Cần Thơ 885 người/km2, các thành phố thuộc tỉnh cũng đều trong tình trạng tương tự.
“Với bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình đô thị hóa từ nền tảng kinh tế nông nghiệp, từ quy mô đất đai đến lực lượng lao động nông nghiệp đang chiếm ưu thế, và trong đô thị các loại này khu vực ngoại thành thường chiếm diện tích đất đai rất rộng lớn, vậy nên xem xét giảm tiêu chí này để tránh xu hướng “nén” toàn đô thị”, văn bản của Tổng hội khuyến nghị.
Cũng theo Tổng hội, liên quan đến nhóm tiêu chuẩn về kiến trúc, cảnh quan đô thị, Quy chế quản lý kiến trúc đô thị theo Luật Kiến trúc nhưng Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị lại theo Nghị định 38, vì vậy dự thảo cần bổ sung ghi chú là từ năm nào trở đi thì sẽ thực hiện Quy chế quản lý kiến trúc đô thị theo Luật Kiến trúc, từ năm 2021 trở lại phải thực hiện theo Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị theo Nghị định 38. Cần cần nhắc sử dụng tiêu chuẩn này vì hiện nay Việt Nam chưa ban hành bộ tiêu chí công nhận Khu đô thị xanh.
Bên cạnh đó, cần xem xét lại việc cho điểm đối với loại công trình kiến trúc tiêu biểu là: Di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia, di sản thế giới và công trình kiến trúc loại I. “Bởi các loại công trình này có các giá trị và ý nghĩa rất khác biệt ngay từ tên gọi của chúng, do vậy không thể xếp cùng một hạng để tính điểm khi xem xét công nhận loại đô thị”, văn bản của Tổng hội nhận định.
tonghoixaydung.vn (Theo Người đô thị)
Thông báo mới về tiếp nhận hồ sơ cấp Chứng chỉ hoạt động xây dựng (19:22 - 09/12/2024)
Cải tạo hành lang xanh dọc ven biển Cửa Đại (16:36 - 08/12/2024)
Giải pháp xanh cho xây dựng bền vững khu vực ĐBSCL (18:27 - 07/12/2024)
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam tham dự Diễn đàn Kỹ sư Lan Thương-Mê Kông 2024 (10:38 - 07/12/2024)