Cải tạo hành lang xanh dọc ven biển Cửa Đại

16:36 - 08/12/2024

Tiếp nối chuỗi Hội thảo “Giải pháp quy hoạch hành lang xanh và công viên ven biển Cửa Đại, thành phố Hội An”, sáng 6/12 tại Hà Nội, Viện nghiên cứu Kinh tế Xây dựng và Đô thị tổ chức Hội thảo: “Thiết kế công viên ven biển Cửa Đại – Thành phố Hội An”.

Toàn cảnh buổi Hội thảo

Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Hồng Hạnh – Viện trưởng, TS.KTS. Trần Thị Lan Anh, Ths. Lê Quang Nam – Phó Viện trưởng; TS. Nguyễn Thị Kim Sơn – Phó TTK Hiệp hội các Đô thị Việt Nam; bà Nguyễn Thuý Anh – Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế; PGS.TS.Lưu Thế Anh – Viện trưởng Viện tài nguyên và môi trường (ĐHQG Hà Nội); PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng – Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam; Ths. Phạm Khắc Thưởng – TTK Tổng hội Xây dựng Việt Nam.

Tình hình sạt lở bờ biển Cửa Đại rất phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các đến các khu đô thị, khu du lịch; ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đời sống dân cư. Tỉnh Quảng Nam đã và đang nỗ lực thực hiện các giải pháp đồng bộ với hy vọng giải quyết căn cơ tình trạng sạt lở bờ biển Hội An nhằm bảo vệ bờ biển khỏi nguy cơ xâm thực ngày càng sâu vào đất liền.

Từ năm 2010 đến 2015, UBND tỉnh Quảng Nam đã đầu tư xây kè bê tông cốt thép mái nghiêng dài 850 m; kè mềm bằng túi địa kỹ thuật dài 415m và kè mềm bằng túi
vải geotube dài hơn một km và hai dự án xây đê ngầm dài hơn 2 km, hút 600m3 cát đổ vào. Đến nay, bãi biển Cửa Đại dần hồi sinh, song từ Cửa Đại đi về phía bắc đến biển An Bàng dài hơn một km tiếp tục bị sạt lở.

Tại Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030 đã đưa ra mô hình cấu trúc không gian phát triển của tỉnh là: Hai vùng, ba cửa ngõ, ba cụm động lực, tám hành lang phát triển” nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế địa kinh tế - văn hóa – chính trị, tạo dựng các trung tâm, các trục, hành lang, vùng chức năng phát triển kinh tế xã hội của toàn tỉnh Quảng Nam. Các hành lang kinh tế phát triển được định hướng baao gồm 03 hành lang Bắc Nam và 05 hành lang Đông Tây. Trong đó có 02 hành lang kinh tế liên quan trực tiếp đến TP Hội An là hành lang kinh tế ven biển nằm giữa QL 1A và không gian ven biển dọc tuyến đường Võ Chí Công và đường hành lang ven biển.

Để khu vực ven biển phát triển bền vững, trong Quy hoạch chung thành phố Hội An đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050, khu vực ven biển phường Cửa Đại được định hướng phát triển theo hệ thống công viên chuyên đề và bảo tồn không gian biển. Dự án hành lang xanh ven biển Cửa Đại được quy hoạch với chiều dài 3,2 km, chiều rộng 8m – 100m, bao gồm công viên sinh thái cộng đồng có tổng diện tích 10.000 m2.

Công viên được đề xuất cải tạo thành công viên sinh thái cộng đồng với diện tích 10.000m2 được phân bố với các chức năng chính: (1) Khu tiện ích công cộng; (2) Khu ghế ngồi; (3) Khu thể thao; (4) Khu sân chơi. Mô hình này có giá trị thực tiễn cao, có tham vấn chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư.

Nhóm nghiên cứu của Viện đã khảo sát và đánh giá chi tiết về các loài chim hoang dã quý hiếm tại khu vực, xây dựng được danh sách các loài chim trong danh mục sách đỏ thế giới cũng như sách đỏ Việt Nam, đây là một đóng góp rất lớn của Viện góp phần phát triển du lịch thông qua thu hút những người quan tâm đến chim di cư trong nước, khu vực và quốc tế.

Tại Hội thảo đã nhận được rất nhiều các ý kiến đóng góp của các chuyên gia tham dự: “Việc xây dựng công viên không chỉ tạo không gian gắn kết xã hội mà còn kết nối với thiên nhiên. Công viên có các bảng thông tin về thực vật, sinh vật, trang bị kiến thức hữu ích cho người dân địa phương, góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Từ đó, tạo điều kiện cho cây bản địa phát triển, cung cấp chuỗi thức ăn cho loài chim di cư, thúc đẩy hệ sinh thái phát triển trở lại”, KTS. Chu Kim Đức chia sẻ.

Theo KTS. Trần Xuân Hiếu, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, nhóm tác giả mới vận dụng giá trị bản địa ở hình thức như hình vẽ, màu nền, thiết kế tạo hình thiết bị vui chơi: “Qua hình thức (hình vẽ) cần lồng ghép nội dung để nâng cao nhận thức cho trẻ em”.

Đề xuất mở rộng phạm vi sân chơi, PGS-TS. Nguyễn Hữu Dũng, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA), cho rằng cần tổ chức công viên trên bờ biển chứ không chỉ trên đất liền, nhấn mạnh vào yếu tố “nuôi biển” để thu hút người dân địa phương cũng như khách du lịch. Để trở thành công viên sinh thái, chuyên gia này cho rằng cần thiết lập sự liên kết giữa công viên cộng đồng và khu vực đầm lầy đất ngập nước và khu bảo tồn chim. Đặc biệt, cần có giải pháp thu hút chim tới khu vực trung tâm của công viên.

Hội thảo còn một số ý kiến đóng góp về mua bán tín chỉ carbon, không trồng cây chắn gió trước công viên vì đặc thù biển động tại khu vực, tham khảo hệ tiêu chí biện pháp bảo tồn khu vực hiệu quả khác (OECM) nhằm bảo tồn đa dạng sinh học đối với nơi không phải khu bảo vệ.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Kết luận tại Hội thảo, TS. Nguyễn Hồng Hạnh vui mừng đánh giá cao và xin tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia tham dự “buổi hội thảo với không khí sôi nổi, nhiệt tình và nhiều đóng góp tâm huyết” cho dự án công viên sinh thái cộng đồng Cửa Đại.

 BBT

 

Giải Pickleball 38 năm Tạp chí Người Xây dựng hướng về đồng bào vùng cao (10:25 - 16/12/2024)
Thông báo mới về tiếp nhận hồ sơ cấp Chứng chỉ hoạt động xây dựng (19:22 - 09/12/2024)
Giải pháp xanh cho xây dựng bền vững khu vực ĐBSCL (18:27 - 07/12/2024)
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam tham dự Diễn đàn Kỹ sư Lan Thương-Mê Kông 2024 (10:38 - 07/12/2024)
Giải pháp quy hoạch hành lang xanh và công viên ven biển Cửa Đại (16:32 - 05/12/2024)