Tổng hội Xây dựng Việt Nam làm việc với Sở Xây dựng Điện Biên, UBND TP. Điện Biên Phủ

12:07 - 05/04/2024

Sáng ngày 03/4/2024, Đoàn công tác của Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP. Điện Biên Phủ (Điện Biên) và Sở Xây dựng tỉnh Điện Biên về các nội dung liên quan đến công tác quản lý phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh và thành phố Điện Biên Phủ.

Đoàn công tác Tổng hội Xây dựng Việt Nam do TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội làm Trưởng đoàn và một số cán bộ tham gia đoàn công tác.

Phía UBND TP. Điện Biên Phủ có sự tham gia của ông Nguyễn Đạt Long, Phó Chủ tịch UBND thành phố; ông Đỗ Văn Tú, Trưởng phòng Quản lý đô thị; cùng đại diện các phòng: Tài Nguyên & Môi trường, Kế hoạch & Tài Chính, Ban Quản lý dự án và Đội Quản lý trật tự đô thị.


Nội dung của buổi làm việc với thành phố Điện Biên Phủ tập trung vào một số nội dung chính như: Tình hình phát triển đô thị của Thành phố, trong đó đi sâu phân tích những vướng mắc, bất cập trong phân loại đô thị nhất là các chỉ tiêu về quy mô dân số, mật độ dân số, các chỉ tiêu về hạ tầng; chỉ tiêu về cân đối ngân sách, trong đó lưu ý đến tính chất đặc thù của một đô thị lịch sử, đô thị vùng biên;


Mô hình quản lý đô thị - phân cấp quản lý theo quy hoạch quy hoạch phân khu; quy hoạch chi tiết, các dự án; phân bổ ngân sách cho các huyện, thị trấn, thị xã (phù hợp và chưa phù hợp; nguyên nhân);


Chương trình phát triển đô thị ở địa phương (nguồn lực thực hiện; sự chồng lấn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, khó khăn, vướng mắc…); Phân công, phân cấp trong quản lý đô thị giữa các phòng ban (chồng chéo; khoảng trống trong chỉ đạo điều hành; Mô hình hoạt động của đội quản lý trật tự đô thị, thẩm quyền và cơ chế hoạt động; Việc triển khai các chương trình cải tạo, nâng cấp tái thiết đô thị được thực hiện như thế nào? Hình thức huy động nguồn lực? Sự tự chủ của địa phương?;


Các bất cập, chồng chéo, khoảng trống pháp luật trong quản lý đô thị giữa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý phát triển đô thị khi triển khai áp dụng tại địa phương; Mô hình phát triển đô thị theo hướng đô thị thông minh của thành phố; Chương trình phát triển nhà ở của thành phố.


Tổng hợp các ý kiến chia sẻ tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND Thành phố và các phòng ban cho thấy, do hiện nay quy hoạch chung thành phố Điện Biên Phủ đang được lấy ý kiến các bộ ngành, dự kiến trong tháng 4 hoặc tháng 5 năm nay sẽ phê duyệt, vì vậy Chương trình phát triển đô thị của thành phố về Đề án quy chế quản lý Kiến trúc chưa được xây dựng.


Theo Quyết định số 408/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chung thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đến năm 2045, Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã; Kết luận số 48-KL/TW, ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030, thành phố Điện Biên Phủ sẽ mở rộng địa giới lấy xã Thanh Nưa là xã biên giới nằm ở phía bắc huyện Điện Biên vào thành phố Điện Biên Phủ.


Đây chính là yếu tố mà tỉnh và thành phố xem xét để đưa thành yếu tố đặc thù cho thành phố Điện Biên Phủ khi xem xét nâng cấp đô thị, vừa là đô thị vùng biên vừa là đô thị lịch sử với 45 điểm di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt.


Vì hiện nay, theo tiêu chuẩn phân loại đô thị tại Nghị quyết 1210 và Nghị quyết 26 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Điện Biên Phủ còn đang thiếu nhiều chỉ tiêu (dân số, mật độ dân số, các chỉ tiêu về hạ tầng, cân đối ngân sách).


Mặc dù các chỉ tiêu này đã được giảm theo yếu tố vùng miền như quy định tại Nghị quyết 26/NQ-UBTVQH nhưng đối với đô thị miền núi còn nhiều khó khăn như Điện Biên thì các chỉ tiêu như về dân số, mật độ dân số cần tiếp tục được giảm, chỉ tiêu về cân đối ngân sách thu/chi nên bỏ hoặc chỉ là chỉ tiêu “mềm” không bắt buộc.
Công tác quản lý phát triển đô thị hiện được giao cho phòng quản lý đô thị là cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Điện Biên Phủ thực hiện, bao gồm chức năng quản lý nhà nước về kiến trúc; quy hoạch xây dựng; phát triển đô thị; nhà ở và công sở; vật liệu xây dựng; giao thông; hạ tầng kỹ thuật đô thị (gồm: cấp thoát nước; vệ sinh môi trường đô thị; công viên, cây xanh; điện chiếu sáng; rác thải; bến, bãi đỗ xe đô thị). Hiện tại phòng có 08 biên chế để thực hiện công tác này, với khối lượng công việc gấp 5 lần so với các đơn vị khác.


Lĩnh vực quản lý về hạ tầng giao thông còn có sự bất cập, các quy định về lòng đường, kẻ vạch thì do cơ quan quản lý đường bộ quản lý, còn vỉa hè, biển báo lại do địa phương quản lý; hoặc đường tỉnh lộ do Sở Giao thông quản lý còn đường đô thị, đường huyện xã do thành phố quản lý. Đây là những bất cập, dẫn đến chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm.


Hiện nay, chương trình cải tạo, chỉnh trang đô thị theo hình thức xã hội hóa đang tạm dừng do khó khăn trong thanh quyết toán. Đây là một hạn chế rất lớn trong việc huy động nguồn lực. Mặt khác, thành phố không được tự chủ nguồn thu từ du lịch, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng. Hoạt động này do Cục thuế điều tiết, Thành phố chỉ được giao 20% nguồn thu từ đất. Vì vậy, Thành phố rất hạn chế về nguồn lực để tái thiết đầu tư.


Về giải phóng mặt bằng hiện chưa có quy định cụ thể nên rất vướng mắc, kéo dài thời gian. Công tác quản lý trật tự đô thị do đội quản lý trật tự đô thị thuộc Thành phố đảm nhiệm; mỏng về lực lượng; thiếu cơ chế hoạt động (các cán bộ là viên chức; chức năng của đội chỉ có quyền lập biên bản, tham mưu cho thành phố; không có quyền xử lý các sai phạm nên hoạt động không hiệu quả);


Một số bất cập về văn bản quy phạm pháp luật


Các chỉ tiêu về phân loại đô thị trong Nghị quyết 1210, NQ 26 không phù hợp với các đô thị miền núi, đô thị vùng biên vì có diện tích rộng, dân cư thưa thớt, giữ vai trò an ninh quốc phòng. Đây cần được coi là các yếu tố đặc thù để điều chỉnh các chỉ tiêu phân loại và nâng cấp đô thị, mặc dù theo điều 9 và phục lục IV của Nghị quyết 26 một số chỉ tiêu đã cho phép giảm xuống có tính đến yếu tố vùng miền. Đối với thành phố Điện Biên Phủ cần có cơ chế đặc thù trong việc đánh giá tiêu chí nâng cấp đô thị loại II (như quy mô dân số, mật độ dân số, thu chi ngân sách…). Việc phân theo yếu tố vùng miền cần có sự phân định rõ ràng giữa khu vực nông thôn/ miền núi/ đồng bằng.


Cần có quy định về sự phân cấp trong quản lý hạ tầng giao thông và xây dựng quy chế phối hợp giữa Trung ương và địa phương; giữa thành phố và huyện, xã. Cần có quy định cho phép sử dụng nguồn thu từ du lịch để tái đầu tư. Trong lúc nguồn lực dành cho công tác bảo tồn còn hạn hẹp so với nhu cầu thực tế vì việc trích lại nguồn thu từ hoạt động du lịch là cần thiết (Học tập mô hình từ thành phố Hội An - đô thị di sản).


Đề nghị bổ sung quy định về chức năng, quyền hạn của đội quản lý trật tự đô thị trong các văn bản quy phạm pháp luật, như mô hình thanh tra của thành phố. Cần có quy định khung cho mô hình quản lý đô thị cho các đô thị cùng loại. Đề nghị bỏ quy định về việc dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại cho nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở nhất là các đô thị miền núi, dân cư thưa thớt, địa hình chia cắt, trên địa bàn lại không có khu công nghiệp như tỉnh Điện Biên.


Cùng ngày, Đoàn công tác Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã có buổi làm việc với Sở Xây dựng tỉnh Điện Biên. Tiếp đoàn có ông Nguyễn Minh Lượng, Phó Giám đốc Sở; ông Vũ Văn Hùng, Trưởng phòng Quản lý đô thị và các chuyên viên.


Buổi làm việc tập trung đi sâu phân tích những khó khăn vướng mắc của địa phương trong phân loại đô thị. Việc điều chỉnh các chỉ tiêu nên ở mức độ nào là phù hợp với đô thị miền núi như thành phố Điện Biên Phủ khi nâng lên đô thị loại II hay thị xã Mường Lay khi trở thành đô thị loại IV.


Về vấn đề này, Sở Xây dựng kiến nghị điều chỉnh một số tiêu chuẩn, tiêu chí áp dụng đối với đô thị trong trường hợp đặc thù để bảo đảm có thể xác định được tỷ lệ % mức giảm so với quy định, như: quy mô dân số, mật độ dân số, tiêu chuẩn về nhà ở, tiêu chuẩn về giao thông, các tiêu chuẩn về cấp điện và chiếu sáng công cộng, các tiêu chuẩn về hệ thống viễn thông, về diện tích cây xanh toàn đô thị, cân đối thu chi ngân sách…cho phù hợp với từng địa phương cụ thể (như đối với các đô thị của huyện Điện Biên; huyện Tuần Giáo).


Việc thiếu nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dẫn đến các chỉ tiêu này không đảm bảo theo quy định tại Nghị quyết 26/NQ-UBTVQH. Các điều chỉnh này cần được xem xét để đưa vào Nghị quyết 26/NQ- UBTVQH trong thời gian tới.


Trong Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 06/NQ-TW của Bộ Chính trị, tỉnh ủy và UBND tỉnh Điện Biên có đề cập xây dựng thành phố Điện Biên Phủ trở thành một đô thị du lịch văn hóa - lịch sử cách mạng cấp quốc gia và đạt tiêu chí đô thị loại II vào năm 2025. Nội hàm của mô hình đô thị này đã được làm rõ trong Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 109/QĐ-TTg ngày 27/1/2024.


Tuy nhiên, do mạng lưới đô thị Điện Biên chủ yếu là đô thị vừa và nhỏ, quỹ đất hạn hẹp nên các đô thị chủ yếu phát triển theo hình chuỗi bám vào các trục đường giao thông liên vùng, nên khả năng mở rộng giao thương với các địa phương trong nước bị hạn chế. Mặt khác, do hiện nay tỉnh Điện Biên chưa có Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh vì vậy việc xây dựng dự án và phân bổ nguồn vốn chưa có cơ sở thực hiện.


Về phát triển đô thị thông minh, đến nay, UBND thành phố Điện Biên Phủ đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai Trung tâm điều hành thông minh (IOC) nhằm giám sát An toàn thông tin mạng, giám sát an ninh trật tự và an toàn giao thông thông minh, ứng dựng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, dịch vụ công...; hoàn thiện nội dung thiết lập đồ án theo hệ thống thông tin địa lý GIS nhằm chuẩn hóa dữ liệu bản đồ quy hoạch, một số đô thị đã đầu tư xây dựng hệ thống chiếu sáng bằng hệ thống đèn LED thông minh, tiết kiệm điện, có hệ thống điều khiển tự động; đầu tư xây dựng chiếu sáng đô thị gắn liền với bản sắc văn hóa dân tộc tại địa phương…


Về chương trình phát triển nhà ở, tỉnh đã có văn bản phê duyệt tại Quyết định 1456/QĐ/UBND ngày 16/8/2022 của UBND tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên, Sở Xây dựng cũng kiến nghị bỏ quy định dành 20% quỹ đất trong dự án cho nhà ở xã hội có thể cho phép chủ đầu tư nộp bằng tiền hoặc chuyển sang khu vực khác.


Về nội dung phân công, phân cấp cho các Sở ngành, tỉnh đã có các văn bản tại các Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND ngày 25/4/2017; Quyết định số 34/2021/QĐ-UBND ngày 29/12/2021, Quyết định số 58/2022/QĐ-UBND ngày 26/12/2022; Quyết định số 31/2022/QĐ-UBND ngày 24/8/2022 nên không có sự chồng chéo trong điều hành.

Thay mặt Đoàn công tác, TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã cảm ơn lãnh đạo UBND TP. Điện Biên Phủ, lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Điện Biên và các phòng, ban chuyên môn đã nhiệt tình tiếp đoàn và có những chia sẻ thẳng thắn về những khó khăn, vướng mắc và bất cập trong công tác quản lý đô thị của thành phố và của tỉnh Điện Biên. Các ý kiến sẽ được tổng hợp và báo cáo cáo gửi Bộ Xây dựng trong quá trình triển khai xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị trong thời gian tới.


Bài, ảnh: Trần Thị Thanh Ý

Giải Pickleball 38 năm Tạp chí Người Xây dựng hướng về đồng bào vùng cao (10:25 - 16/12/2024)
Thông báo mới về tiếp nhận hồ sơ cấp Chứng chỉ hoạt động xây dựng (19:22 - 09/12/2024)
Cải tạo hành lang xanh dọc ven biển Cửa Đại (16:36 - 08/12/2024)
Giải pháp xanh cho xây dựng bền vững khu vực ĐBSCL (18:27 - 07/12/2024)
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam tham dự Diễn đàn Kỹ sư Lan Thương-Mê Kông 2024 (10:38 - 07/12/2024)