Tổng hội Xây dựng Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)

14:30 - 28/11/2022

Sáng 28/11, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Vusta) phối hợp với Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý cho Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Toàn cảnh buổi Hội thảo.

Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã đưa Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để lấy ý kiến công khai, rộng rãi. Nhằm tiếp tục lắng nghe các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, sáng ngày 28/11/2022, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cùng với Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Góp ý cho Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)”. Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia xây dựng, quy hoạch hàng đầu đến từ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng hội Xây dựng Việt Nam.

TSKH Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.

Trong phát biểu khai mạc hội thảo, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho biết: Trong thời gian gần đây, một số luật được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới thay thế như: Bộ luật Dân sự, Luật Xây dựng, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công... và trong các luật này có nhiều nội dung quy định liên quan đến Luật Nhà ở năm 2014 đã được sửa đổi, bổ sung dẫn đến sự không thống nhất trong các quy định của Luật Nhà ở hiện hành với các luật này. Do đó, việc rà soát, điều chỉnh, sửa đổi các quy định có liên quan trong Luật Nhà ở năm 2014 để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ hệ thống pháp luật là rất cần thiết.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng phát biểu nêu những nội dung cơ bản của Dự thảo Luật Nhà ở (Sửa đổi). Sự cần thiết ban hành luật nhà ở (sửa đổi), sửa đổi Luật nhà ở để đảm bảo sự thông nhất với các luật khác có liên quan.

Các nội dung của Luật Nhà ở năm 2014 có liên quan đến các quy định của Luật Đất đai, đặc biệt là những chính sách lớn như vấn đề sở hữu nhà ở đối với người nước ngoài, quy hoạch sử dụng đất, quỹ đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở…

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại hội thảo.

Mục đích của việc xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) là nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội nhằm góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội; chính sách phát triển nhà ở phải phù hợp với Chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở và đồng bộ, thống nhất với các cơ chế, chính sách có liên quan như đất đai, đầu tư, xây dựng, tài chính, tín dụng v.v..

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) trình bày nêu những nội dung cơ bản của Dự thảo Luật Nhà ở (Sửa đổi) tón tắt nhanh về nội dung Dự thảo Luật  Nhà ở (Sửa đổi). Mục đích, quan điể xây dựng Luật Nhà ở (Sửa đổi), phạm vi điều chỉnh, đốitượng áp dụng của Luật Nhà ở (Sửa đổi), dự kiếm nguồn lực...

TS Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cùng chủ trì buổi hội thảo.

Sau nội dung trình bày của cơ quan soạn thảo, các chuyên gia, nhà khoa học bước vào thảo luận. Quan tâm đến vấn đề nhà ở xã hội trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), GS.TSKH Đặng Hùng Võ nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (Việt Nam) cho rằng, nhà ở xã hội là vấn đề khó, nhất là khi giá nhà ở thương mại quá cao như hiện nay. Mọi ưu đãi của Chính phủ đều mang lại lợi ích rất lớn. Quản lý nhà ở xã hội không tốt sẽ dẫn đến những hình thức tham nhũng khác nhau mà mục tiêu chính không đạt được.

TSKH Đặng Hùng Võ kiến nghị, các thủ tục quản lý đối với khu vực các dự án nhà ở xã hội cần đi theo hướng cải cách thủ tục hành chính, có như vậy mới thu hút được các nhà đầu tư. Nói cách khác, cần quy định ngay trong luật các thủ tục hành chính đơn giản đối với các dự án nhà ở xã hội. Cần thảo luận với Bộ Tài chính để miễn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp cho khu vực đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Cũng theo GS Đặng Hùng Võ cần bổ sung Mục Nhà ở xã hội vùng nông thôn vào Chương Nhà ở xã hội trong đó quy định về chính sách giải quyết đất ở, nhà ở cho các trường hợp tác hộ nông dân. Thực tế, các dự án phát triển nhà ở tại nông thông chủ yếu để bán cho những người từ nơi khác tới mua nhưng không để sử dụng, trong khi đó người dân tại nơi có đất lại không thể tiếp cận nhà ở với giá hợp túi tiền.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại hội thảo.

Cũng lưu ý đến vấn đề nhà ở công nhân, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, cần quy định cụ thể trách nhiệm ai là người làm nhà ở cho công nhân, thu phí của công nhân như thế nào?

“Hai khu vực quan trọng cần quan tâm gần gũi người dân là nhà ở công nhân và nhà chung cư. Rất nhiều nhà chung cư hiện nay được bán rồi, bán đến người dân rồi nhưng mới phát hiện dự án vi phạm chỗ này, chỗ kia. Rối cuối cùng người dân không được cấp sổ hồng. Vì thế cần quy định khi nào chủ đầu tư được phép bán nhà, ai kiểm tra trước khi bán nhà” – GS Đặng Hùng Võ nói.

Về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam đánh giá, đây là vấn đề rất được dư luận quan tâm, đã có định hướng từ hơn 20 năm qua nhưng kết quả không như mong muốn. Theo thống kê cả nước có gần 2.467 chung cư cũ (xây dựng trước năm 1994), trong số này 25% là nguy hiểm, xuống cấp nhưng đến nay mới chỉ cải tạo được 3%.

TS Đào Ngọc Nghiêm đề xuất ngoài 2 mô hình hình thức thực hiện cải tạo chung cư cũ (nhà nước, doanh nghiệp) đề nghị nghiên cứu thêm mô hình: Cộng đồng các hộ dân liên kết thực hiện. Đây là mô hình đã thành công ở Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc...

Cũng tại hội thảo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét thêm một số nội dung liên quan Điều 8, cụ thể, trong khoản 2 điều 8 có nội dung các trường hợp Nhà nước được quyết định trung mua, trung dụng, mua trước nhà ở… TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng cần bổ sung việc Nhà nước có trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ ra sao để tránh lạm quyền và để chế độ bồi thường tương thích với quy mô, giá trị tài sản cần xác định cụ thể hơn.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam.

Riêng về vấn đề thời hạn sử dụng chung cư, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng đây là đề xuất mạnh mẽ, chú trọng đến lợi ích người sở hữu chung cư và tạo thuận lợi cho quản lý diện mạo đô thị. Tuy nhiên TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng cần bổ sung quyền hạn của chủ sở hữu nhà ở chung cư khi xử lý nhà chung cư hết hạn.

PGS.TS Nguyễn Thị Nga – Trường ĐH Luật Hà Nội cho rằng, việc bổ sung quy định về khu vực tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam là cần thiết. Tuy nhiên, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) vẫn chưa làm rõ được khi Danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, dự án khu đô thị có nhà ở trên địa bàn cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua nhà và sở hữu nhà ở có được công khai hay không? Và nếu công khai thì công khai dưới những hình thức nào? Tại đâu? Theo phản ánh của doanh nghiệp, hiện nay, cac danh mục khu vực cần đảm bảo an ninh quuốc phòng tại từng địa phương chưa được công khai, vì vậy các chủ đầu tư dự án không thể biết dự án nhà ở thương mại của mình có được bán cho người nước ngoài hay không và tạo ra nhiều rủi ro phải bồi thường thiệt hại khi đã bán cho người nước ngoài nhưng sau đó dự án bị xác định thuộc khu vực người nước ngoài không được sở hữu nhà ở.

Để đảm bảo tính minh bạch của chính sách và tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, nên quy định cụ thể việc công khai danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, dự án khu đô thị có nhà ở trên địa bàn cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua nhà và sở hữu nhà ở.

PGS.TS Nguyễn Thị Nga nêu ra bất cập với quy định ưu đãi chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Cụ thể, tại dự thảo quy định, khi chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội không phải bằng nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai với diện tích đất đã được Luật xác định cụ thể.

PGS.TS Nguyễn Thị Nga – Trường ĐH Luật Hà Nội

Tuy nhiên quy định này trong dự thảo chưa thực sự hợp lý, chưa khuyến khích sự phát triển của nhà ở xã hội. Cụ thể, theo quy định của Luật Đất đai hiện hành đối với tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất không thu quyền sử dụng đất không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê sử dụng đất. Như vậy, chủ đầu tư sau khi hoàn thành dự án nhà ở xã hội được giao đất không thu tiền sử dụng đất thì sẽ không có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đồng nghĩa với việc không được bán nhà ở.

Được biết, việc Góp ý cho Dự thảo Luật Nhà ở sẽ tập trung ở các nội dung cơ bản của 8 nhóm chính sách gồm các quy định về: Sở hữu nhà ở; Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; Cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Chính sách về nhà ở xã hội; Quản lý, sử dụng nhà ở.

Tới đây, Tổng hội Xây dựng Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo để tiếp tục góp ý cho Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

 

BBT

Giải Pickleball 38 năm Tạp chí Người Xây dựng hướng về đồng bào vùng cao (10:25 - 16/12/2024)
Thông báo mới về tiếp nhận hồ sơ cấp Chứng chỉ hoạt động xây dựng (19:22 - 09/12/2024)
Cải tạo hành lang xanh dọc ven biển Cửa Đại (16:36 - 08/12/2024)
Giải pháp xanh cho xây dựng bền vững khu vực ĐBSCL (18:27 - 07/12/2024)
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam tham dự Diễn đàn Kỹ sư Lan Thương-Mê Kông 2024 (10:38 - 07/12/2024)