Tổng hội Xây dựng tham gia đóng góp ý kiến dự thảo Luật Đất đai
17:13 - 06/10/2022
Sáng 5/10, hội thảo “Góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)” do Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Tổng Hội Xây dựng Việt Nam (VFCEA).
Toàn cảnh hội thảo “Góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”
Ngày 5/10, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức Hội thảo Góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Hội thảo nhằm cụ thể hóa chương trình hợp tác giữa Hội đồng Dân tộc của Quốc Hội khóa XV và Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội Việt Nam) giai đoạn 2021-2026 nhằm tập hợp ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
TS Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
Phát biểu tại hội thảo, TS Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết: Sau hơn 9 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt những kết quả quan trọng, tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ cho việc khai thác và sử dụng đất đai hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả, khai thác nguồn lực đất đai cho việc phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, do các mối quan hệ kinh tế-xã hội có nhiều thay đổi, có nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai của Luật Đất đai đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần phải nhanh chóng sửa đổi, bổ sung như: Các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với quy hoạch sử dụng đất; Nguồn lực về đất đai chưa thực sự phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nơi chưa bảo đảm hài hòa lợi ích… Vì vậy, hội thảo được tổ chức với mục đích đóng góp những ý kiến cho Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi).
Nêu vấn đề liên quan đến quy hoạch sử dụng đất, TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, quá trình thực thi Luật Đất đai vẫn còn khá nhiều tồn tại, đặc biệt là tính thiếu đồng bộ, thống nhất giữa các luật có liên quan đến quy hoạch sử dụng đất như Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Đất đai. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cũng vẫn chưa khắc phục được.
TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam tham gia đóng góp ý kiến dự thảo Luật Đất đai
Theo TS. Đặng Việt Dũng, quy hoạch sử dụng đất luôn là quy hoạch đi sau trong hệ thống quy hoạch. Căn cứ để lập quy hoạch sử dụng đất là yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tiềm năng đất đai có thể huy động được. Quy hoạch sử dụng đất là thành phần không thể thiếu trong tất cả các đồ án quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch. Vì vậy hệ thống quy hoạch sử dụng đất trong Luật Đất đai (sửa đổi) cần thống nhất và tuân thủ theo hệ thống quy hoạch chung.
TS. Đặng Việt Dũng đề nghị bổ sung các nội dung còn thiếu trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoach sử dụng đất cấp tỉnh, quy hoạch sử dụng đất đô thị và nông thôn vào dự thảo Luật Đất đai ( sửa đổi) cho đồng bộ và thống nhất với các luật liên quan.
Đồng thời bổ sung các quy định về đất đô thị, đất xây dựng đô thị, quy định về đất dân dụng, đất ngoài dân dụng và các danh mục đất đô thị khác (theo QC 01:2021) vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phục vụ công tác quy hoạch sử dụng đất trong đô thị, xác định mục đích sử dụng đất, định giá đất thuận lợi.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương
Góp ý về phương thức tích tụ đất nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương đề nghị bổ sung phương thức tặng, cho quyền sử dụng đất. Bởi tích tụ ruộng đất được hiểu là quá trình các cá nhân, hộ gia đình, các tổ chức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp nhằm tăng quy mô đất sản xuất nông nghiệp thông qua chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp dưới các hình thức chuyển nhượng, tặng cho, hưởng thừa kế quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Ngoài ra, trong thực tiễn, liên kết hợp tác sản xuất giữa các hộ nông dân để sản xuất hàng hóa theo nhu cầu của thị trường trong một thời kỳ nhất định với quy mô không lớn nên không nhất thiết phải lập phương án sử dụng đất trình cơ quan nhà nước. Vì vậy nên cân nhắc quy định: Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thực hiện việc tập trung đất nông nghiệp phải lập phương án sử dụng đất trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quyết định.
Theo kế hoạch, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), cho ý kiến lần thứ hai tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).
PGS. TS Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam
Góp ý cho nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, PGS. TS Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam cho biết: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không có khái niệm về đất xây dựng đô thị. Khái niệm này chỉ có trong công tác lập quy hoạch đô thị và quản lý đô thị. Vì vậy, cần bổ sung nội dung đất đô thị vào Luật Đất đai (sửa đổi).
“Bên cạnh đó, quy hoạch sử dụng đất chưa làm tròn vai trò là nền tảng kết nối các vấn đề phát triển đảm bảo tính thống nhất tương đối về không gian, sử dụng nguồn lực bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền và lợi ích của chủ sử dụng đất trong khu vực; Luật Đất đai hiện tại chưa có quy định cụ thể cho việc quy hoạch và phát triển không gian ngầm đô thị. Vì thế, Luật Đất đai (sửa đổi) cần có những điều cụ thể việc sử dụng đất trong quy hoạch và phát triển không gian ngầm đô thị…”, PGS.TS Lưu Đức Hải đề nghị.
TS Nguyễn Hữu Dũng, Khoa Bất động sản và Kinh tế tài nguyên, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân góp ý nên thống nhất về thuật ngữ “định giá”. Cần tách bạch giữa cơ quan quản lý Nhà nước về mặt hình thái vật chất của đất đai (cơ quan quản lý đất đai) với cơ quan quản lý Nhà nước về tài chính đất đai. Định giá đất theo đúng quy định của Luật giá, lấy Luật giá làm gốc để điều chỉnh hoạt động này. Cần mở rộng áp dụng biện pháp đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất. Hoàn thiện cơ chế về tổ chức và thực hiện định giá đất.
Cho ý kiến về xác định giá đất tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, PGS.TS Phan Trung Hiền, Trưởng khoa Luật, Đại học Cần Thơ cho rằng, Luật Đất đai năm 2013 đã có những sửa đổi, bổ sung về giá đất so với Luật Đất đai năm 2003. Tuy nhiên, trái với mong đợi của nhà làm luật và nhà quản lý, vấn đề khiếu nại giá đất, đặc biệt là giá đất tính bồi thường, gần như không có chiều hướng giảm.
Theo PGS.TS Phan Trung Hiền, việc xác định giá đất tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất thiếu công khai, minh bạch, thiếu dân chủ và gây ra sự không công bằng, tương xứng giữa giá trị quyền sử dụng đất bị thu hồi và giá trị được bồi thường.
PGS.TS Phan Trung Hiền, Trưởng khoa Luật, Đại học Cần Thơ
Mặt khác, vì không có nguyên tắc “công khai, minh bạch” và cũng không có các các quy định về “dân chủ, công bằng” trong trình tự, thủ tục định giá đất. Với cơ chế này, việc định giá đất tính bồi thường trở thành “việc riêng” của cơ quan hành chính nhà nước. Người sử dụng đất hợp pháp có đất bị thu hồi chẳng những không có quyền tham gia trong quá trình định giá đất mà cũng không thể giám sát, theo dõi tiến trình này cho đến khi việc định giá đất được hoàn thành và người dân được thông báo kết quả định giá đất.
Để khắc phục những bất cập trên về giá đất, theo PGS.TS Phan Trung Hiền, cần bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là “Việc định giá đất phải công khai, minh bạch và dân chủ và thực hiện trách nhiệm giải trình.” Dự thảo cần quy định công khai tất cả các chứng thư định giá đất và hồ sơ, quy trình định giá đất cho người dân có đất bị thu hồi trên các phương tiện truyền thông địa phương.
Hội thảo cũng nhận được góp ý của các chuyên gia đến từ các cơ quan nghiên cứu, đào tạo, quản lý tại địa phương liên quan đến các nội dung trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần làm rõ hoặc điều chỉnh như: Đăng ký đất đai; Quy hoạch sử dụng đất; Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;Thu hồi đất; Bồi thường hỗ trợ, tái định cư, giá đất; Phương pháp định giá đất… Các ý kiến đóng góp sẽ được Ban tổ chức tổng hợp sẽ được gửi đến cơ quan soạn thảo Dự thảo để tiếp tục hoàn thiện trước khi trình Chính phủ và trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 10/2022 theo kế hoạch.
Tổng hội Xây dựng Việt Nam
Thông báo mới về tiếp nhận hồ sơ cấp Chứng chỉ hoạt động xây dựng (19:22 - 09/12/2024)
Cải tạo hành lang xanh dọc ven biển Cửa Đại (16:36 - 08/12/2024)
Giải pháp xanh cho xây dựng bền vững khu vực ĐBSCL (18:27 - 07/12/2024)
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam tham dự Diễn đàn Kỹ sư Lan Thương-Mê Kông 2024 (10:38 - 07/12/2024)