Ngành Vật liệu xây dựng với kinh tế tuần hoàn hướng tới mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2050
09:27 - 24/11/2022
Ngày 23/11, tại Cung Triển lãm Kiến Trúc, Quy hoạch Xây dựng Quốc gia (Hà Nội) đã diễn ra Hội thảo “Ngành VLXD Việt Nam với kinh tế tuần hoàn hướng đến mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050” do Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam thuộc Tổng hội Xây dựng Việt Nam phối hợp với Ban tổ chức Vietbuild tổ chức.
Toàn cảnh Hội thảo Ngành Vật liệu xây dựng với kinh tế tuần hoàn hướng tới mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2050.
Tham dự hội thảo có ông Phạm Văn Bắc – Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng Bộ Xây dựng; KS. Tống Văn Nga - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam (THXDVN); PGS.TS Lương Đức Long - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Minh Ngọc – Giảng viên cao cấp bộ môn vật liệu xây dựng thuộc Trường ĐH Kiến Trúc Hà Nội cùng đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp, các tổng công ty…
Tại Hội thảo các đại biểu đã nghe các báo cáo tham luận từ các diễn giả là các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực quản lý, nghiên cứu, sản xuất vật liệu xây dựng về quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Một số kết quả bước đầu trong việc sử dụng chất thải công nghiệp và sinh hoạt làm nguyên, nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng tại VICEM; Không để ngành Vật liệu xây dựng lỡ nhịp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Hạt thủy tinh xốp, các tấm ốp trần, tường, sàn mái cách nhiệt, cách âm, tiêu âm và chống cháy; Sử dụng những nguồn chất thải làm nguyên liệu sản xuất gạch tuynel bằng công nghệ mới thân thiện với môi trường…
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật thông tin, mở rộng kiến thức về lĩnh vực sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng và các lĩnh vực liên quan khác để góp phần thúc đẩy ngành Vật liệu xây dựng Việt Nam phát triển bền vững…
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở Việt Nam đang diễn ra tại 44/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (tính đến ngày 31/12/2021) với khoảng 1.720 mỏ, điểm mỏ khoáng sản (trong danh mục khoáng sản quy hoạch) được tìm kiếm, điều tra, thăm dò và khai thác với quy mô khác nhau.
Cả nước có 308 Giấy phép khai thác khoáng sản theo các loại hình khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc cơ quan tương đương cấp phép đang còn hiệu lực. Nhiều nhất là đá ốp lát các loại với 93 giấy phép. Tiếp theo là đá vôi làm xi măng có 83 giấy phép và sét làm xi măng 59 giấy phép.
Tổng diện tích đã cấp phép các loại khoáng sản là 13.465 ha với tổng trữ lượng đã được cấp phép đưa vào khai thác là 4.382,8 triệu tấn và đá ốp lát là 170,23 triệu m3...
Các quy hoạch khoáng sản đã góp phần đáng kể trong việc định hướng các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản, xây dựng các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng gần nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các quy hoạch đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế nhất định.
Thời điểm lập quy hoạch trước đây, việc điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thực hiện còn hạn chế nên một số thông tin về vị trí, tọa độ, diện tích, địa danh và tiềm năng khoáng sản tại quy hoạch làm vật liệu xây dựng chưa đầy đủ và chính xác gây khó khăn cho khâu quản lý, cấp phép...
Do đó, cần phải cập nhật, bổ sung số liệu về tài nguyên, trữ lượng và khoanh định tọa độ khép góc cụ thể cho phù hợp với quy định của pháp luật về khoáng sản và pháp luật về quy hoạch - ông Bắc nêu vấn đề.
Cùng đó, diện tích, quy mô, công suất trong quy hoạch trước đây không còn phù hợp giữa giai đoạn thăm dò và giai đoạn khai thác. Việc ấn định công suất khai thác đối với các khu vực mỏ khoáng sản trong quy hoạch trước đây (mới có số liệu điều tra, đánh giá sơ bộ) chưa phù hợp vì công suất khai thác phải được xác định dựa trên kết quả thăm dò, phê duyệt trữ lượng.
Vì vậy, theo ông Bắc quy hoạch về diện tích và quy mô thăm dò, khai thác, chế biến cần rà soát, điều chỉnh để phù hợp nhu cầu sử dụng của các ngành công nghiệp, đảm bảo phát triển hài hòa giữa ngành khai thác, chế biến khoáng sản với phát triển kinh tế tại địa phương...
Cùng với những khó khăn về chính sách cần tháo gỡ, dưới góc độ doanh nghiệp, ông Đỗ Xuân Thịnh - Chuyên gia kỹ thuật - Phòng Kỹ thuật Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) chia sẻ, trên cơ sở nội dung Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 của Chính phủ đã ban hành tại văn bản số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020, VICEM đã xây dựng lộ trình triển khai thực hiện. Đó là các giải pháp cụ thể trong nghiên cứu sử dụng chất thải làm nguyên, nhiên liệu thay thế, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn.
Cụ thể, VICEM đặt mục tiêu nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất thiết bị trong dây chuyền sản xuất, giảm tiêu hao năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên không tái tạo (than, đá vôi, sét, thạch cao...) và giảm phát thải ra môi trường.
Đồng thời, chú trọng áp dụng khoa học, công nghệ để gia tăng tỷ lệ sử dụng rác thải thông thường làm nhiên liệu thay thế tại những dây chuyền có lợi thế với mục tiêu đến năm 2025 tối thiểu là 25%; năm 2030 tối thiểu là 30%.
Ngoài ra, nghiên cứu, thực hiện đồng xử lý chất thải nguy hại và chất thải sinh hoạt trong sản xuất nhằm góp phần bảo vệ môi trường. Dù vậy, đại diện doanh nghiệp này cũng phản ánh trong quá trình thực hiện vẫn gặp nhiều khó khăn khi triển khai xử lý chất thải làm nguyên, nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng.
Đặc biệt, chi phí đầu tư, cải tạo dây chuyền, thiết bị có quy mô, trình độ công nghệ khác nhau và được thiết kế sử dụng than nhiệt trị cao, không sử dụng được nhiên liệu thay thế.
“Nếu muốn triển khai các chương trình trên thì VICEM phải đầu tư cải tạo, nâng cấp dây chuyền sản xuất; đầu tư mới hệ thống xử lý chất thải, các thiết bị phụ trợ (nhà xưởng, kho bãi, thiết bị vận chuyển…) và kết nối với dây chuyền sản xuất xi măng; đầu tư mới các thiết bị quan trắc, giám sát phát thải, kiểm soát các chỉ tiêu về môi trường.
Trong khi đó, hiện nay vẫn chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng dẫn đến việc tăng chi phí đầu tư, cải tạo, nâng cấp thiết bị sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp...”, ông Thịnh nêu vấn đề.
Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Trung Đô Nguyễn Hồng Sơn kiến nghị, mục tiêu phát triển bền vững, đạt chỉ tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 hoàn toàn có thể đạt được nếu nhận được sự ủng hộ, khuyến khích và đồng hành của Nhà nước đối với doanh nghiệp.
Để mục tiêu này sớm thành hiện thực, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa giúp các doanh nghiệp mạnh dạn chuyển đổi công nghệ sản xuất, nghiên cứu tìm các giải pháp tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu, giảm thải ô nhiễm môi trường, tiếp cận với các tiêu chí sản xuất xanh.
Khi đầu tư đổi mới công nghệ doanh nghiệp cần một lượng vốn rất lớn nên phải có những giải pháp thiết thực để hỗ trợ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp như: vốn tín dụng, cơ chế ưu đãi về lãi suất, thời hạn cho vay, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp… Trong điều kiện khó khăn về vốn, lãi suất cao thì rất nhiều doanh nghiệp sẽ không đầu tư vào sản xuất mà lựa chọn sang lĩnh vực đầu tư bất động sản.
Theo ông Sơn : Hiện nay, một lượng rất lớn doanh nghiệp sản xuất có sẵn mái nhà xưởng đang mong muốn được lắp đặt điện mặt trời áp mái phục vụ sản xuất. Nhà nước cần sớm có chính sách tháo gỡ vướng mắc, khuyến khích các doanh nghiệp này đầu tư lắp đặt điện mặt trời áp mái để cấp điện tự phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm giảm tải cho hệ thống điện quốc gia, tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm phát thải khí nhà kính.
N.Nam/ Tổng hội Xây dựng Việt Nam
Thông báo mới về tiếp nhận hồ sơ cấp Chứng chỉ hoạt động xây dựng (19:22 - 09/12/2024)
Cải tạo hành lang xanh dọc ven biển Cửa Đại (16:36 - 08/12/2024)
Giải pháp xanh cho xây dựng bền vững khu vực ĐBSCL (18:27 - 07/12/2024)
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam tham dự Diễn đàn Kỹ sư Lan Thương-Mê Kông 2024 (10:38 - 07/12/2024)