Cần công bố chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường cho đô thị loại IV, V
06:09 - 16/11/2022
Chiều 15/11, tại trụ sở Bộ Xây dựng đã diễn ra Hội thảo “Kinh tế đô thị trong quy hoạch, xây dựng và phát triển bền vững đô thị Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Kinh tế xây dựng và Đô thị - ICUE, thuộc Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức.
Toàn cảnh Hội thảo Kinh tế đô thị trong quy hoạch, xây dựng và phát triển bền vững đô thị Việt Nam.
Chủ trì Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh; KS. Tống Văn Nga – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam; ThS.Nguyễn Đỗ Ánh – Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp – Ban Kinh tế Trung ương; ông Đàm Đức Biên – Cục trưởng Cục Kinh tế Xây dựng – Bộ Xây dựng; TS. Nguyễn Hồng Hạnh – Viện trưởng Viện Viện Nghiên cứu Kinh tế xây dựng và Đô thị.
Hội thảo còn có sự góp mặt của các chuyên gia hàng đầu về kinh tế, xây dựng, quy hoạch đô thị và môi trường cùng đại diện các ban, ngành liên quan.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bùi Hồng Minh hoan nghênh Tổng hội Xây dựng Việt Nam - Viện Nghiên cứu Kinh tế xây dựng và Đô thị đã có những sáng kiến tổ chức hội thảo nhằm tuyên truyền tầm quan trọng của nền kinh tế đô thị; đồng thời đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp cần giải quyết về vấn đề kinh tế đô thị.
Thứ trưởng Bùi Hồng Minh phát biểu tại hội thảo.
Thứ trưởng Bùi Hồng Minh cho biết: Bộ Xây dựng hiện đang triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế đô thị theo Nghị quyết. Cần tiếp tục làm rõ nội hàm của nền kinh tế đô thị, không chỉ là nền kinh tế công nghiệp, dịch vụ mà còn phải gắn kết với các chuỗi giá trị nông nghiệp, nông thôn.
Phải lựa chọn mô hình phát triển đô thị hợp lý nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất đô thị nhằm tạo ra các không gian phát triển kinh tế đô thị (bao gồm các không gian trên mặt đất và không gian ngầm). Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phát triển kinh tế đô thị, tập trung vào các chính sách quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, quy hoạch… nhằm huy động tối đa nguồn lực.
Tăng cường nâng cao hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội từ không gian quy hoạch đô thị, đồng thời đổi mới mô hình quản lý đô thị để nâng cao hiệu quả đô thị. Thứ trưởng Bộ Xây dựng mong muốn thông qua Hội thảo này có thể làm sáng tỏ các nhiệm vụ trên.
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Tại Hội thảo các đại biểu đã đưa ra các các báo cáo, tham luận, kiến nghị cho quá trình tổ chức triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế đô thị.
Theo, TS. Bùi Hồng Hạnh cho biết: Đô thị đóng vai trò là trung tâm hạt nhân quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội của các quốc gia. Hiện nay, ở Việt Nam tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng gần 40% với hơn 860 đô thị; nền kinh tế đô thị đã đóng góp 70% GDP, dự kiến đến năm 2030 sẽ đạt khoảng 85%.
Bên cạnh những thành quả đã đạt được, phát triển đô thị vẫn còn nhiều hạn chế như tỷ lệ đô thị hóa chưa đạt yêu cầu, phát triển đô thị theo chiều rộng gây lãng phí đất đai, mức độ tập chung kinh tế thấp, chưa tạo nên sự đồng bộ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới; kết cấu hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được nhu cầu.
Đề ra giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong đánh giá những nhân tố làm tăng trưởng kinh tế đô thị, TS. Phạm Văn Khánh – Trưởng Ban Kinh tế Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: Nhà nước cần công bố thông tin các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường cho tất các đô thị loại IV, loại V trên cả nước như các đô thị loại I, loại II và loại III.
“Tôi tin rằng khi hệ thống các chỉ tiêu đánh giá thực trạng các nhân tố làm tăng trưởng kinh tế đô thị được công bố đầy đủ cho tất cả các loại đô thị thì việc đánh giá thực trạng tăng trưởng kinh tế đô thị sẽ đạt kết quả tốt và nó sẽ là một căn cứ quan trọng cho việc đưa ra các định hướng, mục tiêu và các giải pháp đúng, khả thi cho phát triển kinh tế đô thị của các đô thị.
Đây sẽ là căn cứ khoa học phục vụ cho công tác lập quy hoạch đô thị và quản lý đô thị, sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý đô thị, khắc phục những hạn chế, tồn tại về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đã nêu trong Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch đô thị, nâng cao chất lượng sống cho người dân đô thị, phát triển kinh tế đô thị bền vững, kinh tế đô thị thực sự là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, góp phần xây dựng nước Việt nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh” - Trưởng Ban Kinh tế Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhấn mạnh.
Nhất Nam/ Tổng Hội Xây dựng Việt Nam
Thông báo mới về tiếp nhận hồ sơ cấp Chứng chỉ hoạt động xây dựng (19:22 - 09/12/2024)
Cải tạo hành lang xanh dọc ven biển Cửa Đại (16:36 - 08/12/2024)
Giải pháp xanh cho xây dựng bền vững khu vực ĐBSCL (18:27 - 07/12/2024)
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam tham dự Diễn đàn Kỹ sư Lan Thương-Mê Kông 2024 (10:38 - 07/12/2024)