Đề xuất giải pháp thúc đẩy đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực thủy điện nhỏ ở Việt Nam

18:25 - 16/05/2024


Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam (VNCOLD) tổ chức Hội thảo: “Đề xuất các giải pháp để hoàn thiện thủ tục và đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực thủy điện nhỏ ở Việt Nam”

Sáng ngày 16/5/2024 tại Hà Nội, VNCOLD tổ chức Hội thảo: “Đề xuất các giải pháp để hoàn thiện thủ tục và đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực thủy điện nhỏ ở Việt Nam” để đóng góp ý kiến, đề xuất tháo gỡ các vướng mắc, bất cập, tồn tại của các văn bản quy phạm pháp luật về dự án đầu tư kinh doanh như: Lập quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, phê duyệt dự án, thành lập doanh nghiệp, giải phóng mặt bằng, giao đất – cho thuê đất – chuyển đổi mục đích sử dụng đất, các thủ tục về tài nguyên – môi trường, lao động, phòng cháy chữa cháy, các thủ tục có liên quan khác.

Tham dự buổi Hội thảo có TSKH. Hoàng Văn Thắng – Chủ tịch VNCOLD, PGS.TS. Đoàn Thế Lộc – Phó ban KHCN – VNCOLD, ông Lê Viết Sơn – Vụ Quản lý quy hoạch – Bộ KH&ĐT, Ths. Phạm Khắc Thưởng – Tổng thư ký THXDVN và các đơn vị đồng hành phối hợp tổ chức.

TSKH. Hoàng Văn Thắng – Chủ tịch VNCOLD Phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TSKH. Hoàng Văn Thắng – Chủ tịch VNCOLD gợi mở một số nội dung về Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 đã kết thúc, ngành điện lại căn cứ theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII) để tiến hành xây dựng nguồn và lưới điện nhằm phục vụ kế hoạch phát triển kinh tế của đất nước.

Quy hoạch điện VIII được xây dựng để triển khai thực hiện trong vòng 10 năm (2021-2030) với tổng kinh phí dự kiến là 134,7 tỷ USD (bình quân mỗi năm toàn ngành điện cần huy động khoảng 13,5 tỷ USD). Sau 1 năm (kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII đến nay) cho thấy vẫn còn nhiều rào cản để thực hiện đầy đủ các mục tiêu của Quy hoạch đặc biệt là vấn đề thủ tục thẩm định, phê duyệt và cấp phép cho các dự án thủy điện nhỏ tại Việt Nam.

Tại Hội thảo, Ông Vũ Chí Linh – đại diện Công ty CP Nậm Trung Hồ cho biết phần lớn các thủy điện nhỏ có phương án đấu nối ở cấp điện áp 110kV trở xuống và được thực hiện theo Quy hoạch/Kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh được duyệt. Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiều quy hoạch cấp tỉnh trước khi phê duyệt Quy hoạch điện VIII nên không có phương án đấu nối đồng bộ.

Một số dự án thủy điện có phương án đấu nối phụ thuộc vào tiến độ nâng cấp hoặc xây mới lưới điện khu vực. Tuy nhiên việc cập nhật, điều chỉnh Quy hoạch tỉnh mất khá nhiều thời gian và quy trình phải thực hiện như lập quy hoạch mới. Vì vậy, đa số các địa phương chưa tiến hành điều chỉnh ngay quy hoạch tỉnh dẫn đến không thể triển khai được các thủ tục đầu tư. Kiến nghị Bộ KH&ĐT, Thủ tướng Chính phủ giao hoặc phân cấp cho UBND các tỉnh rà soát, bổ sung, điều chỉnh, cập nhật phương án đấu nối các dự án năng lượng tái tạo (từ cấp điện áp 110kV trở xuống) vào mạng lưới điện trong quy hoạch tỉnh để các dự án được phê duyệt đúng tiến độ.

Đại diện Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Cộng Lực – Tạ Duy Thanh cho biết một số thủ tục trong thực hiện đầu tư thủy điện nhỏ tại một số địa phương được thực hiện “chưa đồng nhất và phụ thuộc vào quy hoạch khác”, “nặng về quy trình thủ tục”, mắc hội chứng “xin ý kiến” và “không kế thừa văn bản” dẫn đến thời gian thực hiện thủ tục đầu tư kéo dài, tốn kém công sức.

Chỉ một số ít các tỉnh thực hiện quy hoạch chi tiết xây dựng đối với các dự án thủy điện như Lào Cai, Nghệ An... còn hầu hết các tỉnh không thực hiện quy hoạch này. Ví như Lào Cai, để phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng thủy điện chi tiết thì điều kiện bắt buộc là dự án đó phải có trong QH chung của Huyện/Thị xã. Hiện nay nhiều địa phương chưa có hoặc đang triển khai lập QH chung dẫn đến chưa đủ điều kiện thẩm định đồ án QH xây dựng thủy điện.


Đồng quan điểm, Ông Đỗ Minh Đức – Công ty CPTV Đầu tư và Xây dựng thương mại Minh Đức nêu một số địa phương mắc hội chứng “xin ý kiến” và “không kế thừa văn bản”: Khi duyệt nhiệm vụ quy hoạch, phòng chủ trì đã xin ý kiến nhiều đơn vị (tối thiểu là 06 ý kiến của các phòng ban, chính quyền địa phương); khi duyệt đồ án thì lặp lại việc xin ý kiến như trên mặc dù nội dung không thay đổi.

Kết luận buổi Hội thảo, TSKH. Hoàng Văn Thắng cùng các đại biểu tham dự thống nhất các ý kiến, kiến nghị Bộ KH&ĐT yêu cầu các tỉnh ban hành quy trình thực hiện các thủ tục đầu tư nhằm thống nhất cách làm giữa các tỉnh, giữa các huyện trong một tỉnh theo hướng giảm bớt các thủ tục, tối giản việc xin ý kiến và có sự kế thừa văn bản với cùng một nội dung.

Kiến nghị cụ thể đối với thủ tục “phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng chi tiết dự án thủy điện”. Nên xem xét sự cần thiết của thủ tục này do hiện nay nhiều địa phương không thực hiện. Bên cạnh đó, mặt bằng của một dự án thủy điện đã được xem xét ở rất nhiều thủ tục khác nhau, đặc biệt là đã có ở trong quy hoạch chung của xã, huyện.

BBT

 

Giải Pickleball 38 năm Tạp chí Người Xây dựng hướng về đồng bào vùng cao (10:25 - 16/12/2024)
Thông báo mới về tiếp nhận hồ sơ cấp Chứng chỉ hoạt động xây dựng (19:22 - 09/12/2024)
Cải tạo hành lang xanh dọc ven biển Cửa Đại (16:36 - 08/12/2024)
Giải pháp xanh cho xây dựng bền vững khu vực ĐBSCL (18:27 - 07/12/2024)
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam tham dự Diễn đàn Kỹ sư Lan Thương-Mê Kông 2024 (10:38 - 07/12/2024)