Vì sao cần thành lập Trung tâm kiểm soát an toàn công trình trên bậc thang Thủy điện sông Đà?

07:50 - 22/10/2022

Hiện nay, tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp nên công tác quản lý an toàn đập được đặc biệt chú trọng. Đây cũng là lý do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có quyết định thành lập Trung tâm kiểm soát an toàn công trình trên bậc thang thủy điện sông Đà.

Ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết: “Trên hệ thống bậc thang thủy điện sông Đà, EVN đang quản lý và vận hành 5 nhà máy, do 3 Công ty Thủy điện quản lý: Công ty Thủy điện Sơn La (Nhà máy Thuỷ điện Sơn La và Lai Châu), Công ty Thủy điện Huội Quảng - Bản Chát (NMTĐ Huội Quảng và Bản Chát) và Công ty Thủy điện Hòa Bình. Các nhà máy trên bậc thang thủy điện sông Đà thuộc EVN quản lý, vận hành đều là các công trình có chiều cao đập trên 100m với nhiều dạng kết cấu đập khác nhau, thuộc loại đập lớn trên thế giới”.

Đây đều là các công trình đa mục tiêu với các nhiệm vụ chính là điều tiết lũ, cung cấp nước cho hạ du, đảm bảo giao thông phía hạ du vào mùa kiệt và phát điện cho hệ thống điện quốc gia. Trong đó, Thủy điện Hòa Bình, Sơn La và Lai Châu đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định là 3 trong số 6 nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và cũng là 3 công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, nên việc vận hành đảm bảo tuyệt đối an toàn các công trình thủy điện trên bậc thang sông Đà có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. 

5 nhà máy trên đều được lắp đặt thiết bị quan trắc phục vụ công tác đánh giá an toàn ổn định công trình. Tuy nhiên, công tác thu thập số liệu quan trắc đa phần chưa đồng bộ; lực lượng theo dõi, đánh giá an toàn công trình của các nhà máy điện trực thuộc không đồng đều. Ngoài ra, kinh nghiệm quản lý an toàn công trình, hệ thống thông tin, công nghệ quan trắc, các phương pháp xử lý số liệu của các đơn vị cũng chưa đồng bộ…

Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải cho biết: “Qua thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, Hội đồng thành viên EVN có Nghị quyết số 119/NQ-HĐTV ngày 22/03/2021 về việc thành lập Trung tâm kiểm soát an toàn công trình trên bậc thang thủy điện sông Đà và giao Công ty Thủy điện Sơn La thực hiện thí điểm. Đến nay, cơ bản các thủ tục liên quan đã hoàn thiện, trung tâm đã đủ điều kiện đi vào hoạt động từ tháng 5/2021”.

Việc tập đoàn đi đầu trong công tác thí điểm xây dựng Trung tâm kiểm soát an toàn công trình trên bậc thang thủy điện sông Đà thể hiện trách nhiệm của tập đoàn với sự an toàn vùng hạ lưu. Sau giai đoạn thực hiện thí điểm, tập đoàn sẽ đánh giá, tổng kết, làm tiền đề nghiên cứu, xây dựng Trung tâm kiểm soát an toàn công trình thủy điện cấp EVN, mở ra một lĩnh vực hoạt động mới bài bản và hệ thống trong toàn EVN. 


Chia sẻ về mục tiêu chính của Trung tâm kiểm soát an toàn công trình trên bậc thang sông Đà, ông Khương Thế Anh - Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La cho biết: Trung tâm hiện đã đi vào hoạt động có mục tiêu quan trọng nhất là quản lý tập trung thông tin kiểm soát an toàn cho các công trình trên cơ sở kết nối tín hiệu các thiết bị quan trắc giám sát công trình; thu thập, phân tích đánh giá và xử lý số liệu chuyên nghiệp, đảm bảo tính khách quan, trung thực. 

Ông Khương Thế Anh cho biết thêm: Trung tâm đi vào hoạt động với định hướng quản lý tập trung nguồn dữ liệu, phân tích đánh giá và xử lý số liệu chuyên nghiệp. Việc này giúp EVN và Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai ra quyết định vận hành hồ chứa trong mùa lũ linh hoạt, phù hợp với dự báo theo thời gian thực; đem lại lợi ích tổng hợp cao hơn cho hệ thống bậc thang thủy điện trên sông Đà, góp phần đáng kể cho hệ thống điện quốc gia. Kết quả của việc quản lý vận hành an toàn các công trình đập, hồ chứa tập trung sẽ là cơ sở để các cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh Quy trình vận hành hồ chứa và liên hồ chứa theo thời gian thực. 

Những mục tiêu của Trung tâm kiểm soát an toàn công trình trên bậc thang thủy điện sông Đà:

- Quản lý tập trung thông tin kiểm soát an toàn cho các công trình trên cơ sở kết nối tín hiệu các thiết bị quan trắc giám sát công trình về Trung tâm.

- Thu thập, phân tích đánh giá và xử lý số liệu chuyên nghiệp, đảm bảo tính khách quan, trung thực.

- Chủ động kiểm tra thực trạng công trình và xử lý đơn giản khi phát hiện các hư hỏng bất thường hoặc xuất hiện các yếu tố bất lợi gây mất an toàn công trình.

- Tổ chức lập các báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình trạng công trình gửi EVN và các cấp có thẩm quyền.

- Lập các hồ sơ sửa chữa lớn công trình hàng năm, các hư hỏng do bão lũ, giám sát thi công các công trình,... nhằm đảm bảo chế độ làm việc của công trình luôn ở trạng thái như yêu cầu thiết kế.

- Tổ chức bồi dưỡng, đào tạo cho các đơn vị trong và ngoài EVN về lĩnh vực quản lý vận hành an toàn đập, hồ chứa nước.

  • Làm các dịch vụ khác có liên quan đến an toàn công trình của các đơn vị ngoài EVN khi có đủ năng lực và phù hợp với ngành, nghề kinh doanh của EVN.

Tài liệu phục vụ Hội thảo "Các giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước đồng bằng sông Hồng"