Hướng đến phát thải ròng bằng 0 trong lĩnh vực xây dựng
18:09 - 16/03/2023
Đây là nội dung chính được các chuyên gia, nhà khoa học thảo luận tại Hội thảo với chủ đề “Vật liệu xây dựng phát thải thấp và công trình nhà ở các bon thấp" do Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam tổ chức sáng ngày 16/3/2023.
Các chuyên gia chủ tọa Hội thảo.
Trong khuôn khổ Triển lãm Vietbuild Hà Nội 2023 lần thứ nhất (diễn ra từ ngày 15-19/03/2023), Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam hợp tác với Dự án PEEB (Chương trình hiệu quả năng lượng trong công trình), phối hợp với Công ty CP Tổ chức Triển lãm Quốc tế xây dựng VIETBUILD tổ chức Hội thảo với chủ đề “Vật liệu xây dựng phát thải thấp và công trình nhà ở các bon thấp".
Hội thảo nhằm hướng đến mục tiêu giảm tối đa nhu cầu sử dụng năng lượng của ngành xây dựng với chi phí hợp lý; Tăng đầu tư xây dựng nhà hiệu quả năng lượng, huy động tài chính từ các tổ chức quốc tế và trong nước ưu tiên đầu tư cho dự án nhà ở và thương mại quy mô lớn.
Thông qua hội thảo nhằm khuyến khích sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng phát thải thấp xây dựng công trình nhà ở các bon thấp hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Chính phủ.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Tống Văn Nga - (PCT Tổng hội Xây dựng Việt Nam) Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết: Để xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ, các chung cư cao tầng đều đòi hỏi phải có 2 loại vật liệu chính gồm vật liệu kết cấu, vật liệu trang trí hoàn thiện. Để có được công trình nhà ở các bon thấp trước hết phải cung ứng được các loại vật liệu xây dựng xanh.
Theo ông Tống Văn Nga, Hội thảo “Vật liệu xây dựng phát thải thấp và công trình nhà ở các bon thấp" sẽ tập trung hai vấn đề chính, trước hết giới thiệu một số điểm trong các văn bản của Nhà nước về ưu đãi nhằm thúc đẩy việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng xanh, đồng thời giới thiệu một số vật liệu xây dựng tiêu biểu hiện đã và đang sản xuất, sử dụng ở nước ta hiện nay. Mặt khác, Hội thảo cũng nhằm tìm câu trả lời cho câu hỏi: Làm gì để vật liệu xây dựng xanh góp phần đẩy nhanh việc thực hiện mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội phục vụ cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp, chế xuất mà Chính phủ đặt ra.
Được biết, trong khuôn khổ Hội thảo sẽ có phiên tọa đàm bàn về các vấn đề như: Biện pháp giúp tạo lập quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội ở các địa phương; Biện pháp sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng 120.000 tỷ đồng mà Chính phủ ưu tiên cho vay để thực hiện nhà ở xã hội; Các tiêu chí để lựa chọn chủ đầu tư cho các dự án nhà ở xã hội; Giải pháp xây dựng nhà ở xã hội vừa đảm bảo tiện nghi, đảm bảo chất lượng nhưng hợp với khả năng tài chính của người lao động; Vai trò của chủ sử dụng lao động trong việc góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội được Chính phủ đề ra.
Quang cảnh Hội thảo “Vật liệu xây dựng phát thải thấp và công trình nhà ở các bon thấp".
Tại hội thảo bà Phạm Thị Thu Hà - Phó phòng Nhà ở xã hội, Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) đã giới thiệu tổng quan về chính sách Nhà nước về phát triển nhà ở xã hội và cho vay ưu đãi cho người thu nhập thấp. Theo bà Hà, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại các đô thị, công nhân tại các khu công nghiệp đã tạo được hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, khuyến khách các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội.
Trong khi đó báo cáo về vật liệu xây dựng phát thải thấp và hiệu quả năng lượng cho xây dựng nhà ở, TS Thái Duy Sâm - Tổng thư ký Hội VLXDVN cho biết, hiện nay tồn tại nhiều thuật ngữ khác nhau để nói về vật liệu xây dựng phát thải thấp và hiệu quả năng lượng như: Vật liệu xanh, vật liệu xây dựng thân thiện môi trường, vật liệu xây dựng bền vững,... Tuy nhiên, có thể hiểu đơn giản vật liệu xây dựng phát thải thấp là những loại vật liệu xây dựng giảm thiểu tác động tiêu cực vào môi trường, phát thải các bon và các chất độc hại thấp, tiết kiệm năng lượng, tiết kiểm tài nguyên môi trường trong quá trình sản xuất, lưu thông, xây dựng công trình.
Hiện nhiều nước trên thế giới đã phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng phát thải thấp như: Bê tông nhẹ, bê tông cốt liệu polystirol, bê tông tổ ong; Các loại vật liệu không nhung như gạch bê tông, gạch đất không nung; Gạch ốp lát và sứ vệ sinh kháng khuẩn, các loại sơn sinh thái...
Riêng tại Việt Nam theo TS Thái Duy Sâm, Việt Nam cam kết đến năm 2030 sẽ cắt giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường 9% với nỗ lực trong nước và đạt 27% với sự giúp đỡ của quốc tế. Để thực hiện cam kết đó Nhà nước đã và đang đề ra nhiều chính sách, trong đó có việc khuyến khích phát triển, sản xuất vật liệu xây dựng phát thải thấp. Hiện tại trong nước sản xuất bê tông khí chưng áp (AAC), tấm tường rỗng bê tông đúc sẵn sản xuất theo công nghệ đùn ép, tấm bê tông nhẹ EPS, gạch bê tông, kính tiết kiệm năng lượng, sơn sinh thái...
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, khó khăn trong việc sản xuất và sử dụng vật liệu phát thải thấp do cơ chế chính sách ban hành của Nhà nước chưa toàn diện, việc thực hiện còn nhiều vất cập. Nhận thức của chủ đầu tư và người dân chưa đầy đủ về vật liệu phát thải thấp đồng thời thói quen sử dụng vật liệu xây dựng truyền thống khó thay đổi.
Cùng với đó là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về vật liệu xanh, các hướng dẫn sử dụng và định mức kinh tế kĩ thuật chưa đầy đủ nên nhà đầu tư, người dân chưa đủ căn cứ đưa vào sử dụng trong công trình của mình. Ngoài ra, có nguyên nhân khách quan là giá thành vật liệu xây dựng xanh còn cao hơn vật liệu thông thường nên khó kích cầu tiêu dùng.
BBT
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam tham dự Diễn đàn Kỹ sư Lan Thương-Mê Kông 2024 (10:38 - 07/12/2024)
Tổng hội Xây dựng Việt Nam góp ý về dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị (16:49 - 05/11/2024)
Tọa đàm đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Cấp, thoát nước (09:22 - 10/10/2024)
Vietnam Construction Awards 2024: Tôn vinh doanh nghiệp, đơn vị xây dựng tiêu biểu (12:08 - 05/10/2024)